Ngày 09/4/2016 Phòng GD&ĐT Quận Thanh Xuân tổ chức Hội thi Thiết bị đồ dùng dạy học tự làm năm học 2015 - 2016.
Trường mầm non Nhân Chính mang đến Hội thi 03 bộ đồ dùng dạy học: Bộ đồ dùng phát triển thể chất; Đồ dùng đất nặn tự làm an toàn; Bộ học liệu làm từ đã cuội.
I. BỘ ĐỒ DÙNG PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT
1. Bộ đồ dùng làm từ ống nước:
Nguyên liệu: Sử dụng các ống nước còn thừa từ các công trình xây dựng, cắt thành từng đoạn khoảng 25 – 30 - 35 cm, ghép nối lại bằng các cút nhựa để tạo thành các ô, cổng chui, ghép thành đường thẳng, đường dích dắc.
Ứng dụng: Sử dụng đồ dùng này trong giờ học giáo dục thể chất và trong các hoạt động vui chơi cho trẻ như: Bật ô, bò chui qua cổng, đi trong đường hẹp, đi theo đường dích dắc. Sử dụng cho trẻ độ tuổi mẫu giáo.
2. Bộ đồ dùng làm từ ống ghen:
Nguyên liệu: Từ các ống gen còn thừa trong các công trình xây dựng. Cắt các ống gen thành các đoạn bằng nhau, chiều dài mỗi đoạn khoảng 80cm. Đục các lỗ nhỏ trên đầu các ống gen rồi nối lại với nhau bằng bu lông tạo thành đoạn thẳng dài, đường dích dắc, ghép thành các ô…
Ứng dụng: Sử dụng đồ dùng này trong giờ học giáo dục thể chất và trong các hoạt động vui chơi cho trẻ như: Đi trong đường hẹp, đi theo đường dích dắc, sử dụng trong các trò chơi vận động: Thỏ về chuồng, thả đỉa ba ba…. Sử dụng cho trẻ độ tuổi mẫu giáo.
Những đồ dùng này rất thuận tiện cho việc bảo quản và sử dụng lâu dài, có thể tháo ra, ghép vào linh hoạt tùy vào mục đích sử dụng, trẻ có thể cùng cô lắp ráp đồ dùng để phục vụ cho việc học tập của trẻ. Đồ dùng sử dụng phù hợp với những nơi có diện tích chật hẹp, có thể cất giữ gọn gàng, không cồng kềnh, khi dùng xong bộ đồ dùng thì có thể gấp, xếp gọn gàng để cất, bộ đồ dùng được làm từ những nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm, dễ làm, chi phí rất thấp và có thể dùng trong nhiều hoạt động.
3. Bộ đồ dùng làm từ lốp xe ô tô:
Nguyên liệu: Từ các lốp xe ô tô đã qua sử dụng, tạo các khung sắt để cố định lốp xe, các khung sắt có kích thước phù hợp với từng độ tuổi của trẻ khi thực hiện các bài vận động. Sơn màu, trang trí lốp xe theo ý thích phù hợp với trẻ, tạo cảm hứng cho trẻ khi tham gia các hoạt động.
Ứng dụng: Sử dụng đồ dùng này trong giờ học giáo dục thể chất và trong các hoạt động vui chơi cho trẻ như: Ném trúng đích thẳng đứng, ném trúng đích nằm ngang, bò chui qua cổng, chơi các trò chơi Thỏ nhảy vào chuồng…. Sử dụng cho trẻ độ tuổi mẫu giáo.
Gian trưng bày đồ dùng tự làm của trường MN Nhân Chính
II. BỘ ĐỒ DÙNG ĐẤT NẶN TỰ LÀM AN TOÀN
Nguyên liệu: Từ nguyên liệu bột mì sẽ giúp trẻ có món đồ chơi vừa đẹp vừa an toàn cho sức khỏe. Đất nặn hiện nay được làm từ nguyên liệu không an toàn và có thể gây nguy hiểm cho trẻ nếu chẳng may nuốt phải. Với cách làm từ bột mì, muối, dầu ăn và màu thực phẩm (màu cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm) đây là đồ dùng tự tạo, thích hợp phục vụ trong các hoạt động tạo hình cho trẻ mầm non. Đất nặn từ bột thực sự an toàn cho bé.
Nếu nấu và bảo quản cẩn thận, có thể dùng đi dùng lại trong 1 tháng, rất thích hợp cho trẻ nhỏ ở độ tuổi mầm non. Đối với những trẻ lớp mẫu giáo lớn (5-6 tuổi) có thể sử dụng đất nặn sống. Loại bột này bảo quản không được lâu như loại được nấu chín, tối đa được 2 tuần trong điều kiện bảo quản tốt. Tuy nhiên trẻ có thể cùng tham gia làm với cô (vì không cần phải nấu), trẻ sẽ thích thú vô cùng khi được pha trộn các nguyên liệu với nhau như làm bánh.
Ứng dụng: Sử dụng đồ dùng này trong giờ học tạo hình và các hoạt động khác, giúp rèn cho trẻ những kỹ năng nặn, phát triển vận động tinh, khả năng sáng tạo, phát huy tính tích cực của trẻ. Nguyên liệu đơn giản, dễ kiếm, dễ làm, chi phí rất thấp và có thể dùng trong nhiều hoạt động.
III. BỘ HỌC LIỆU TỪ ĐÁ CUỘI
Nguyên liệu: Kiếm những viên đá cuội với những hình dáng, màu sắc đa dạng, có thể sơn màu lên viên đá để màu sắc phong phú, vẽ lên viên đá tạo hình lá, cỏ, con vật, viết chữ và số tạo thành bộ học liệu phong phú giúp trẻ sáng tạo, phát triển tư duy.
Ứng dụng: Sử dụng đồ dùng này trong giờ học tạo hình, văn học, toán, chữ cái, tại các góc chơi…. Sử dụng cho trẻ độ tuổi mẫu giáo.